Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Sách không chỉ ghi lại quá khứ, phản ánh hiện tại mà còn là cương lĩnh của tương lai.Về
Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại khi đã trưởng thành, và một nửa lúc tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng. (Robertson Davies - tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà báo và giáo sư người Canada)
Chính nhờ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời. (Victor Hugo - nhà văn, thi sĩ, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng của Pháp)
- TÁC DỤNG CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH
Tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp thu kiến thức mà đọc sách còn là một biện pháp để hoàn thiện tâm hồn, nhân cách của con người. Bên cạnh việc đọc sách để tiếp thu tri thức, việc đọc sách đôi khi còn rèn luyện những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích mà đôi khi bạn không nhận ra. Chẳng hạn như:
- Đọc sách giúp tăng cường khả năng giao tiếp: Giao tiếp là một trong những kĩ năng vô cùng quan trọng, thông qua giao tiếp những thông điệp của bạn sẽ được truyền tải đến người nghe một cách dễ dàng. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể tự tin đứng trước đám đông để thể hiện mình. Sự thiếu tự tin vào bản thân xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ít tiếp xúc với mọi người xung quanh, tâm lí tự ti và không thực sự tự tin về vốn kiến thức đang sở hữu. Đọc sách nhiều, bạn sẽ biết trình bày vấn đề một cách khoa học, theo trình tự logic nhất định. Nhờ vậy, bạn sẽ tinh tế hơn khi cảm nhận, phán đoán những cảm xúc, thái độ của người khác. Hình thành những phản xạ và sự nhạy cảm, linh hoạt cần thiết để xử lý vấn đề trong giao tiếp.
- Đọc sách giúp rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo. Sách được viết bằng hệ thống ngôn ngữ, cụ thể là các chữ viết được nối kết liên tục với nhau tạo thành câu, dòng, đoạn, bài… Từ ngữ được dùng luôn có nghĩa, và nét nghĩa đó lại được quy chiếu vào các sự vật tương ứng trong cuộc sống. Quá trình đọc sách thực chất cũng là một quá trình quan sát các sự vật và hiện tượng trong cuộc sống thực mà chữ viết được quy ước tượng trưng thông qua quá trình tưởng tượng, liên tưởng.
- Đọc sách giúp rèn luyện năng lực ngôn ngữ. Việc đọc sách là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bạn khắc phục những sai sót trong việc sử dụng ngôn ngữ. Đọc một quyển sách hay, bạn biết được cách sử dụng từ ngữ của tác giả với những câu có đầy đủ thành phần chủ ngữ và vị ngữ. Từ đó, bạn hình thành cho mình thói quen sử dụng từ khéo léo, đúng ngữ pháp mà không phải sợ sai trong dùng từ.
Ngoài ra, việc đọc sách còn giúp chúng ta ghi nhớ tốt hơn; khả năng phân tích tư duy mạnh mẽ hơn; tăng khả năng tập trung, chú ý, kĩ năng viết tốt hơn và đọc sách còn giúp cho tâm hồn được thanh lọc, giảm thiểu những căng thẳng và giúp con người sống có ích cho xã hội…Đây đều là những lợi ích vô cùng quan trọng để giúp cho quá trình học tập, lao động được tốt hơn. Chính vì vậy, việc đọc sách là vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người nói chung, thanh niên nói riêng.
Với những ý nghĩa to lớn từ việc đọc sách, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm làm “Ngày Sách Việt Nam” nhằm mục đích khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trên toàn xã hội, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đọc sách đối với việc rèn luyện kỹ năng, nhân cách con người cũng như phát triển đất nước.
Với thế hệ thanh niên, việc đọc sách càng là cần thiết. Đất nước có phát triển được hay không là dựa vào thế hệ thanh niên. Vì vậy, bên cạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lý tưởng cách mạng, lối sống cho thế hệ thanh niên thì việc nâng cao tri thức, trình độ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại là điều hết sức quan trọng. Việc đọc sách, học sách sẽ giúp thanh niên bổ sung những kiến thức còn thiếu, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, hoàn thiện bản thân cả về chân, thiện, mỹ.
- THỰC TRẠNG HIỆN NAY
Ngày nay, sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên có nhiều kênh thông tin để giải trí nên đa số thanh niên quen dần với thói quen đọc tin tức trên mạng và việc lạm dụng mạng internet khiến cho văn hóa đọc sách của thanh niên rơi vào tình trạng đáng báo động. Theo số liệu khảo sát năm 2019 của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) khi được hỏi thanh niên dùng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số thanh niên được phỏng vấn trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Có 2 nguyên nhân chủ yếu được đưa ra khiến thanh niên ít đọc sách, đó là không có thời gian (áp lực học hành, áp lực công việc căng thẳng, Facebook, game chiếm nhiều thời gian) và đọc sách không có sự tương tác nên dễ gây nhàm chán.
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ kỹ năng đọc kém, đọc không có chọn lọc, đọc hời hợt, theo phong trào, không mang tính ứng dụng vào thực tiễn. Những loại sách có tác dụng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lịch sử bị thay thế bởi các loại truyện tranh, những tiểu thuyết ngôn tình ủy mị, thiếu lành mạnh… Hệ quả là ngày nay nhiều người trẻ không đọc sách làm cho tâm hồn khô héo, thiếu cảm xúc; nhiều bạn trẻ ngày càng trở nên cộc cằn, ứng xử thiếu lịch sự, không biết cảm thông, chia sẻ hay yêu thương; hay đơn giản nhất là viết sai chính tả, không phân biệt được lỗi phát âm, diễn đạt vụng về.
- CÁC GIẢI PHÁP VỀ PHONG TRÀO ĐỌC SÁCH CHO ĐTN, CON EM CB-CNV
- Đối với Đoàn thanh niên nói chung
Việc nâng cao nhận thức, tri thức, trí tuệ là điều vô cùng quan trọng. trong thời gian qua lãnh đạo Công ty đã tạo điều kiện xây dựng 02 phòng đọc sách tai nhà máy và thư viện tại cư xá, tuy nhiên việc đọc sách của ĐTN, con Em của CBCNV chưa được duy trì thường xuyên và thiết thực. Với mục đích nâng cao thói quen đọc, kỹ năng đọc sách cho thanh niên và con em CBCNV một số giải pháp như sau:
- Trong việc hình thành thói quen đọc sách cho thanh niên:
- Tạo thói quen đọc sách: Bắt đầu từ việc đọc những gì mình thích. Khi tìm hiểu những điều mình quan tâm điều này sẽ tạo việc thích thú, hấp dẫn cho người đọc. Sau khi đã hình thành được thói quen đọc sách chúng ta có thể mở rộng thể loại sách mình đọc, không chỉ đọc những cuốn sách mình thích mà cả những cuốn mình cần, không chỉ những cuốn dễ mà ngay cả những cuốn khó. Dần dần việc đọc sách sẽ trở thành một phần tất yếu của cuộc sống như một thói quen sinh hoạt hàng ngày.
- Cắt giảm thời gian dành cho Internet: Thay bằng việc dành thời gian cho internet để lướt web, xem phim, chơi game hay facebook, zalo… chúng ta có thể cắt giảm thời gian đó và thay bằng việc đọc thêm một vài trang sách mỗi ngày.
- Việc đọc sách ngày nay không nhất thiết là đọc trang sách in hay ngồi trong phòng. Không chỉ giới hạn ở việc đến thư viện để tìm đọc sách mà mọi người có thể đọc sách điện tử bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu bằng các ứng dụng đọc sách online như: Kho sách nói, Ibooks; BlueBook…
- Tham gia các diễn đàn, hội nhóm dành cho người thích đọc sách để vừa hình thành thói quen đọc sách hàng ngày vừa trao đổi các loại sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau,trao đổi kinh nghiệm đọc, phương pháp đọc, sự hiểu biết của mình về mỗi cuốn sách.
- Nâng cao kỹ năng đọc sách cho thanh niên:
- Phân loại tài liệu đọc: Việc đầu tiên là xác định mục đích đọc của mình để phân loại tài liệu: Đọc để giải trí? Để có thêm thông tin, tri thức? Để ứng dụng? Để phục vụ học tập hay nghiên cứu? Khi xác định được mục đích đọc sẽ giúp chúng ta lựa chọn được tài liệu phù hợp, biết đọc cuốn nào,đọc nội dung nào và đọc như thế nào.
- Đọc tóm tắt, lời mở đầu, mục lục trước khi đọc chi tiết: Đây là công việc quan trọng ngay từ khâu chọn sách, nó giúp chúng ta trả lời cuốn sách này đáp ứng mục đích nào của mình (học tập, nâng cao sự hiểu biết, kỹ năng sống hay giải trí…) nó phù hợp với sở thích của mình hay không. Và khi lựa chọn để đọc thì việc đọc qua nội dung ở phần tóm tắt đã giúp chúng ta nắm bắt được cái cốt, cái hồn của cuốn sách, điều này giúp chúng ta đọc nhanh hơn, dễ hiểu vấn đề hơn.
- Tập trung cao độ khi đọc: Khi chúng ta tập trung cao độ cho việc đọc sách thì hiệu quả mang lại mới cao. Vì vậy khi đọc sách cần gạt bỏ các yếu tố gây sao nhãng việc đọc điều này giúp chúng ta tiếp nhận được thông tin, tri thức nhanh hơn, tiết kiệm thời gian đọc hơn.
- Đọc, viết và áp dụng: Đọc nhưng cần phải tư duy, sau khi đọc xong phải rút ra được điều gì từ nội dung cuốn sách, chúng ta có thêm kiến thức gì, kinh nghiệm gì cho bản thân để từ đó áp dụng vào cuộc sống, vào công việc. Đọc phải đi liền với áp dụng thì mới phát huy được hiệu quả của việc đọc và giúp chúng ta nhớ được lâu.
- Khi đọc sách có thể chuẩn bị một cuốn sổ ghi lại những vấn đề mình chưa hiểu rõ, những vấn đề mình muốn tìm hiểu sâu hơn để đọc lại hoặc tìm kiếm ở cuốn sách khác. Đây là cách rất hiệu quả để ghi nhớ lâu hơn, sâu hơn các vấn đề mà mình đã đọc. Ngoài ra, khi đọc sách có thể sử dụng bút màu để đánh dấu những vấn đề quan trọng sẽ giúp chúng ta nhanh chóng tìm lại nội dung cần quan tâm một cách dễ dàng.
- Đọc lại nhiều lần: Đọc một lần chúng ta có thể chưa hiểu trọn vẹn được ý nghĩa, giá trị của cuốn sách. Do đó, chúng ta có thể đọc lại nhiều lần để hiểu rõ hơn những thông điệp mà cuốn sách muốn chuyển tải. Tuy nhiên, đọc sách phải có tư duy phản biện, tránh bị chìm đắm trong thế giới mà sách tạo nên, dẫn đến xa rời thực tế, tránh sa vào lý thuyết suông.
- Trao đổi với bạn bè, gia đình, người có chuyên môn để mở rộng thêm nhiều khía cạnh, sự hiểu biết đối với nội dung mình muốn tìm hiểu. Nên tham gia vào những câu lạc bộ sách,đây là nơi chúng ta có thể trao đổi sách với nhau, mượn trả hay bình phẩm về một cuốn sách. Điều này giúp ta có thêm nhiều tri thức hơn và đồng thời cũng có những nhận thức mới về những cuốn sách mình dự định sẽ đọc.
Việc tạo ra một diễn đàn để trao đổi những kiến thức thu được từ việc đọc sách, chia sẻ cảm xúc khi đọc sách… vẫn chưa được thực hiện; mới chỉ dừng lại phần nhiều trao đổi gắn với chuyên môn, về chuyên môn, tức là chỉ trong vấn đề công việc. Đó là một điều thực sự đáng tiếc, không khai thác hết được tiềm năng của thư viện.
- Đối với con Em CB-CNV
Đối với con Em CB-CNV là thế hệ trẻ kế cận, tiếp bước thế hệ Đoàn viên thanh niên là tương lai của Đất nước sau này. Việc rèn luyện cho các cháu có thói quen đọc sách càng quan trọng hơn. Khi con trẻ bắt đầu nhận thức và hình thành các thói quen, một số giải pháp để hình thành thói quen đọc sách cho các cháu như:
- Đầu tiên từ trong mỗi gia đình bậc cha mẹ phải là người noi gương: Trẻ nhỏ có xu hướng học tập từ hành động của cha mẹ hơn là những điều nói với chúng. Nếu bạn chỉ dạy con đọc sách mà không tự mình làm, trẻ sẽ khó nghe theo lời. Hãy thiết lập một tủ sách gia đình với nhiều thể loại khác nhau, bạn có thể cùng con đọc sách và nó sẽ giúp bé rèn luyện thói quen với sách khi còn nhỏ.
- Tặng sách cho con như một phần quà: Nhận quà luôn được trẻ em hào hứng dù trong đó là gì đi nữa, đặc biệt từ những người thân yêu chúng sẽ nâng niu. Cha mẹ hãy tận dụng điều này để tặng cho trẻ những quyển sách hay khi chúng làm tốt công việc của mình. Vậy nên, tặng sách giúp con bạn quý trọng sách hơn, tạo thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ rất hiệu quả.
- Dẫn con trẻ đến Nhà sách định kỳ: Tại đây, trẻ được tư do lựa chọn loại sách ưa thích, người lớn cũng nên hướng dẫn để trẻ tìm một cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi. Mỗi lần đi Nhà sách, cha mẹ có thể mua cho con mình một cuốn truyện cổ tích hoặc các câu hỏi vì sao… Qua đó giúp con trẻ hứng thú, tăng khả năng rèn luyện thói quen đọc sách.
- Tạo môi trường đọc sách lý tưởng: Trẻ cần tập trung tối đa để có thể sắp xếp từng câu chữ, hình ảnh và hiểu được nội dung cuốn sách. Chính vì vậy, một không gian đọc sách yên tĩnh, thoáng mát và gần gũi với gia đình là điều rất cần thiết. Đừng làm phiền con cái khi đang đọc sách, điều này làm mất đi hứng thú lại vừa khiến chúng cảm thấy việc đó không quá quan trọng.
Trong thời gian tới, để hình thành thói quen đọc sách trong thanh niên nói riêng và con em CB-CNV Công ty nói chung, góp phần khai thác hiệu quả sách trong thư viện, cần tập trung vào một số hoạt động sau:
- Một là: Đầu tư, làm phong phú hơn số lượng đầu sách, loại hình, chủ đề sách trong thư viện và quản lý hiệu quả số sách này. Ngoài việc phát động CB-CNV, các mạnh thường quân tham gia góp sách, tặng sách thuộc các loại hình, chủ đề khác nhau cho thư viện còn có thể làm phong phú danh mục sách bằng cách mua bổ sung hàng kỳ. Bên cạnh đó là lập danh mục các đầu sách để quản lý và phát huy hết tiềm năng của thư viện
- Hai là: Giới thiệu sách và phát động phong trào đọc sách, tạo nên các diễn đàn trực tiếp, online để trao đổi các vấn đề học thuật, các vấn đề trong cuộc sống… gắn liền với yêu cầu của công việc và nhu cầu tâm lý, tình cảm của CB-CNV. Nòng cốt của hoạt động này là Đoàn Thanh niên. Nghiên cứu áp dụng các chương trình hoạt động của thư viện kết hợp với đọc sách.
- Ba là: Đề xuất thêm mục giới thiệu sách trên website Công ty. Người viết những bài giới thiệu, chia sẻ… được hưởng nhuận bút đối với các bài đăng.
Việc đọc sách có vai trò quan trọng đối với mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay. Đọc sách giúp mỗi thanh niên lĩnh hội được những thành tựu của nhân loại, có vai trò quan trọng trong việc định hình tư duy, phát triển trí tuệ, tri thức đồng thời còn là phương pháp rèn luyện nhân cách, tình cảm, tâm hồn cao đẹp và lối sống lành mạnh. Việc hình thành thói quen đọc sách là rất cần đối với thanh niên nói chung và CB-CNV nói riêng. Hy vọng trong thời gian tới với sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Công ty văn hóa đọc trong CBCNV nói chung, ĐTN và con em CBCNV nói riêng ngày càng cải thiện đi lên, gặt hái những thành quả.
Một số hình ảnh về văn hóa đọc tại HPC Đồng Nai.

Con em CBCNV tham gia quyên góp sách cho thư viện cư xá những ngày đầu đi vào hoạt động

Góc thư viện cư xá Thủy điện Đồng Nai

Niềm vui của các bạn nhỏ trong những giây phút thư giãn cùng những trang sách.
-20221118095530476.jpg)
Nhiệm vụ định kỳ của các bạn Thiếu niên, nhi đồng: “Chung tay sắp xếp tủ sách thư viện”.

Tủ sách thanh niên tại 02 Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4